A. QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG CẤP KINH TẾ - KỸ THUẬT QUẬN 12
Theo Quyết định số 14/QĐ-TCKTKTQ12 ngày 18/01/2022 của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 và Quyết định số 05/ QĐ-TCKTKTQ12 ngày 06/01/2023 của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 điều chỉnh một số điều của Quyết định số 14/QĐ-TCKTKTQ12 ngày 18/01/2022 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12. Nay, Trường phổ biến một số nội dung của quy chế như sau:
Quyết định số 14/QĐ-TCKTKTQ12 ngày 18/01/2022 gồm có 09 Chương và 53 Điều, bao gồm : Nhiệm vụ và quyền hạn của trường; tổ chức hoạt động đào tạo; nhiệm vụ và quyền của giáo viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; nhiệm vụ và quyền của người học; tổ chức và quản lý của trường; tài chính và tài sản; quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục, gia đình người học và xã hội; thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.
I. Nhiệm vụ, quyền hạn của trường
Căn cứ tại Điều 3 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 quy định như sau:
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của trường
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014; Nghị định 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp; Thông tư số 14/2021/TT-BLĐTBXH ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ trường trung cấp.
II. Tổ chức và quản lý đào tạo
Căn cứ tại Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 quy định như sau:
Điều 9. Tổ chức và quản lý đào tạo
1. Trường tổ chức và quản lý đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo mục tiêu, chương trình đào tạo; thực hiện liên thông, liên kết đào tạo; tổ chức cho người học học tập, thực hành và thực tập tại doanh nghiệp theo nội dung của chương trình đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Trường trung cấp quản lý quá trình đào tạo đối với chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
3. Trường trung cấp liên kết, phối hợp với trường cao đẳng tổ chức đào tạo liên thông từ trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Trường liên kết với cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học, tổ chức đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Trường tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông đối với học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, theo học trình độ trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông khi được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thẩm quyền cho phép.
6. Trường liên kết, phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.
7. Chương trình đào tạo được thực hiện theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tin chỉ. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở nhưng phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng theo quy định đối với từng chương trình đào tạo.
8. Người học tích lũy đủ số mô-đun hoặc tín chỉ quy định trong chương trình đào tạo thì được công nhận hoàn thành chương trình; những mô-đun, tín chỉ đã tích lũy được công nhận và không phải học lại khi học các chương trình đào tạo khác.
9. Trường tổ chức và quản lý đào tạo theo quy định của Bộ Lao động . Thương binh và Xã hội; tổ chức đào tạo các ngành, nghề tại nơi đủ điều kiện và đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tổ chức giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo, phương thức tổ chức đào tạo; tổ chức cho người học học tập, thực hành và thực tập tại doanh nghiệp thông qua hợp đồng với doanh nghiệp; tổ chức đánh giá quá trình đào tạo và kết quả học tập của người học theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
III. Nhiệm vụ và quyền của giáo viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và người học trong trường
Căn cứ tại Điều 14, 15, 18 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 lần lượt quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền của giáo viên; cán bộ quản lý, viên chức và người lao động; người học trong trường.
Ngoài ra, đánh giá, phân loại giáo viên cũng được quy định cụ thể tại Điều 17 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12.
IV. Tổ chức và quản lý trường
Căn cứ tại Điều 19 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 quy định như sau:
Điều 19. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 bao gồm:
1. Hội đồng trường.
2. Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng.
3. Các phòng chức năng.
4. Các khoa, trung tâm chuyên môn.
5. Các hội đồng và ban tư vấn.
6. Phân hiệu.
7. Tổ chức Đảng.
8. Tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội khác.
V. Tài chính và tài sản
Căn cứ tại Điều 42 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 quy định như sau:
Điều 42. Nguồn tài chính
1. Ngân sách Nhà nước bao gồm: Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
2. Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của trường, bao gồm:
a) Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;
b) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật;
c) Thu từ cho thuê tài sản công theo quy định của pháp luật.
3. Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định.
4. Nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.
5. Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
VI. Quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục, gia đình người học và xã hội
Căn cứ tại Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 quy định như sau:
Điều 46. Quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và thị trường lao động.
2. Mời đại diện của doanh nghiệp có liên quan tham gia vào việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo của trường; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập và tư vấn nghề nghiệp cho người học.
3. Phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho người học tham quan, thực tập tại doanh nghiệp, gắn học tập với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
4. Phối hợp với doanh nghiệp tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ kỹ năng nghề, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
5. Hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và đào tạo lại cho lao động của doanh nghiệp khi có nhu cầu.
6. Phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
7. Có cơ chế để doanh nghiệp tham gia đánh giá hoạt động đào tạo của nhà trường.
8. Mời đại diện của doanh nghiệp tham gia là thành viên hội đồng trường.
Điều 47. Quan hệ giữa trường trung cấp với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học
1. Phối hợp với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên để tuyên truyền, hướng nghiệp, phân luồng học sinh vào học các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
2. Liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức các hoạt động đào tạo theo quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Liên kết với cơ sở giáo dục đại học để thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn thi hành;
b) Đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Liên kết, phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo quy định.
Điều 48. Quan hệ giữa nhà trường với gia đình người học
1. Trường có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của trường về các nội dung quy định tại khoản 4, Điều 4 của Quy chế này để gia đình người học tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của trường.
2. Nhà trường chủ động phối hợp với gia đình người học để làm tốt công tác giáo dục người học nhằm phát triển toàn diện nhân cách của người học.
3. Nhà trường chủ động phối hợp với gia đình người học để nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo.
Điều 49. Quan hệ giữa nhà trường với xã hội
1. Thực hiện liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cƠ SỞ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và các cơ sở đào tạo khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, người học tham quan, thực tập, thực hành sản xuất, ứng dụng công nghệ để gắn việc giảng dạy, học tập với thực tế sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ xã hội.
2. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ, ngành, địa phương có liên quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc xác định nhu cầu đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động.
3. phối hợp với các cơ sở văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tạo điều kiện để người học tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
4. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
5. Có cơ chế để xã hội tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường.
VII. Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm
Căn cứ tại Điều 50, Điều 51 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 quy định như sau:
Điều 50. Công tác thanh tra và kiểm tra
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 thực hiện việc tự thanh tra, kiểm tra trong nội bộ, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện quy chế, quy trình tổ chức các hoạt động giáo dục - đào tạo, về quản lý cấp pháp văn bằng, chứng chỉ. Ngoài ra, trường còn chịu sự thanh tra và kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất của các cơ quan có trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 51. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Khen thưởng
Tập thể, cá nhân cán bộ, viên chức, người lao động, người học của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 có nhiều thành tích trong hoạt động học tập, giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học, công tác chính trị - xã hội, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
2. Xử lý vi phạm
Tập thể, cá nhân cán bộ, viên chức, người lao động, người học của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 có những hành vi vi phạm các quy định của quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
B. QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA, THI KẾT THÚC VÀ CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP
Bên cạnh việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, ngày 22/7/2022, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 ký Quyết định số 271/QĐ-TCKTKTQ12 ban hành Quy chế đào tạo Trung cấp. Quy chế gồm 5 chương, 43 điều nêu rõ các quy định về kiểm tra, thi kết thúc, cấp bằng tốt nghiệp.
Các quy định được nêu rõ tại các điều cụ thể sau:
Điều 13. Tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ và thi kết thúc môn học, mô-đun.
Điều 14. Điều kiện và số lần dự thi kết thúc môn học, mô-đun, học và thi lại.
Điều 15. Ra đề thi, chấm thi và kết thúc môn học, mô-đun.
Điều 16. Cách tính điểm môn học, mô-đun, điểm trung bình chung học kỳ/năm học/khóa học và điểm trung bình chung tích lũy.
Điều 17. Xử lý người học vi phạm về thi, kiểm tra.
Điều 18. Cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bảng điểm, giấy chứng nhận kết quả học tập, bằng tốt nghiệp.
Điều 31. Kế hoạch và tổ chức các hoạt động thi, bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp.
Điều 32. Điều kiện dự thi và số lần dự thi tốt nghiệp.
Điều 33. Chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp.
Điều 34. Điều kiện tốt nghiệp.
Điều 35. Điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp.
(Xem chi tiết tại các file QĐ số 14/QĐ-TCKTKTQ12, QĐ số 05/QĐ-TCKTKTQ12, QĐ số 271/QĐ-TCKTKTQ12)