TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2025)

Ngày đăng: 22 tháng 4 2025
Lượt xem: 145
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2025)

hân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 139 năm ngày Quốc tế lao động, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của quân và dân ta, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 tuyên truyên và ôn lại ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân 1975 và lịch sử ngày Quốc tế lao động 01/5.

 I. Bối cảnh tình hình

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ trở nên giàu có và hùng mạnh nhất thế giới tư bản, đứng ra giữ vai trò giám sát, can thiệp vào các vấn đề quốc tế để bảo vệ cho cả hệ thống đế quốc chủ nghĩa đã bị suy yếu nghiêm trọng và lâm vào khủng hoảng trước sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của hệ thống xã hội chủ nghĩa với trụ cột là Liên Xô, Trung Quốc.

Với vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và trước sự tiến công mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại; đế quốc Mỹ xác định Việt Nam là điểm nóng bỏng nhất, có vị trí sống còn trong tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản nên đã tích cực can thiệp vào chiến tranh Đông Dương ngay từ đầu những năm 50 thế kỷ XX. Một mặt, Mỹ ra tay giúp Pháp, mặt khác âm mưu thay thế Pháp để độc chiếm Đông Dương. Sau khi thực dân Pháp thua trận, Mỹ đã vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, vội vã lập ra khối quân sự Đông Nam Á và hất cẳng Pháp, xâm chiếm miền Nam hòng đánh bại cách mạng Việt Nam, nhằm lập phòng tuyến ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở vùng Đông Nam Á, bao vây, uy hiếp và chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa xã hội ở các nơi trên thế giới.

Về phía ta, mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phồn vinh là nguyện vọng thiêng liêng, là sự nghiệp chính nghĩa của toàn thể Nhân dân, cũng là mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới, trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa, ngày 14/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”, từ đó Trung Quốc, Liên Xô và một loạt nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân đã ra tuyên bố công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thiết lập quan hệ ngoại giao, ủng hộ và viện trợ vật chất cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân ta.

Với thắng lợi qua các chiến dịch và Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 07/5/1954 đã buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, rút quân khỏi nước ta, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tuy nhiên trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới lúc bấy giờ, đất nước tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới; miền Nam vẫn phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Chính vì vậy, “nước Việt Nam ta trở thành nơi tập trung các mâu thuẫn cơ bản của thế giới và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta trở thành cuộc đọ sức điển hình, thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới, là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mang tính chất thời đại rất sâu sắc”. Đó là nguồn gốc sâu xa, là nguyên nhân trực tiếp và cũng là bản chất của cuộc chiến tranh giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược.

II. Diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Sau một tháng Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện cả về chính trị và quân sự. Trong khi đó, địch bị mất toàn bộ Quân khu 1, Quân khu 2, một nửa sinh lực của Quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt, rơi vào tình thế đi đến tan rã hầu như không cứu vãn nổi. Sau khi lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa nhưng đều bị ta đập tan; quân đội ngụy Sài Gòn tập trung xây dựng tuyến phòng thủ cuối cùng là Sài Gòn - Gia Định.

Từ nhận định dù Mỹ có chi viện cũng không cứu vãn được sự sụp đổ của quân ngụy, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, không thể để chậm. Ngày 07/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, ra lệnh động viên. Ngày 14/4/1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Các đơn vị binh chủng tăng - thiết giáp, đặc công, công binh, thông tin, pháo binh, không quân, hải quân với đầy đủ binh khí kỹ thuật cùng các đơn vị biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích; 5 cánh quân đồng loạt tiến công trên 5 hướng: Hướng Bắc - Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng); hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên); hướng Đông Nam - Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang); hướng Đông - Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long); hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8), nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

- Giành lại chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển, đảo, quần đảo phía Nam của Tổ quốc

Cùng với giải phóng trên đất liền, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh nghiên cứu thời cơ để giành lại chủ quyền các đảo, quần đảo do quân đội ngụy Sài Gòn chiếm đóng ở biển Đông, đây là phần lãnh thổ rất quan trọng, có vị trí chiến lược về quân sự và kinh tế không thể tách rời của Tổ quốc. Ngày 14/4/1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29/4/1975.

Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

III. Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm

1. Ý nghĩa lịch sử

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

2. Nguyên nhân thắng lợi

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu:

Một là, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu với đường lối chính trị, quân sự, độc lập, tự chủ đúng đắn, sáng tạo, phương pháp đấu tranh linh hoạt, phù hợp với mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến.

Hai là, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân cả nước, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt.

Ba là, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí và hành động; của lòng yêu nước nồng nàn - khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của đồng bào ta.

Bốn là, lòng trung thành tuyệt đối và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các Lực lượng vũ trang nhân dân với sự chỉ huy thao lực của các vị Tướng lĩnh tài ba. 

Năm là, tình hữu nghị và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của bạn bè quốc tế, của liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, sự ủng hộ của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới.

3. Bài học kinh nghiệm

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: 

- Kiên định quyết tâm, quyết đánh, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; 

- Đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; 

- Nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân sáng tạo; 

- Tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc; 

- Căn cứ địa cách mạng, hậu phương kháng chiến vững chắc; 

- Đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào, nhân dân Campuchia; 

- Đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh của thời đại; 

- Bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người.

IV. Phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.

V. Lịch sử và ý nghĩa Ngày Quốc tế Lao động 01/5

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; ở một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ...phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu "Ngày làm 8 giờ" sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.

Nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào châu Âu, đã mở rộng sản suất, nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Thành phố Chi-ca-gô trở thành trung tâm thương nghiệp của Mỹ. Nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14 - 18 giờ, phụ nữ quần quật lao động không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.

Ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của "Liên đoàn lao động Mỹ", hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu "Ngày làm việc 8 giờ" trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nước Mỹ lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan…tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 1/5/1890 lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô thế giới. Công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ "Ngày làm 8 giờ", "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại".

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày Lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới; là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./.