TUYÊN TRUYỀN "NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY - 04/10"

Ngày đăng: 03 tháng 10 2024
Lượt xem: 178
 TUYÊN TRUYỀN "NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY - 04/10"

(Theo văn bản số 6221/SGDĐT-CTTT ngày 27/9/2024 về việc hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”)

Hỏa hoạn, cháy nổ trong đời sống hàng ngày có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính vì vậy công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một việc làm hết sức quan trọng, bởi PCCC giúp hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro mà cháy nổ gây ra về người và tài sản. Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước, đã nói lên tầm quan trọng của công tác PCCC. Từ đó đã làm dấy lên các phong trào PCCC đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và xã hội.

Dưới đây là những ý nghĩa chính của Ngày Toàn dân Phòng cháy và chữa cháy và những hành vi bị nghiêm cấm trong PCCC

I. Ý nghĩa của Ngày Toàn dân Phòng cháy và chữa cháy

1. Nâng cao nhận thức và ý thức phòng cháy chữa cháy của toàn dân

Ngày 4/10 - “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” là dịp để mỗi người dân nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm và những hậu quả khôn lường mà các vụ cháy nổ có thể mang lại. Qua đó, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cơ quan, tổ chức sẽ tự giác hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy cơ bản.

Việc tuyên truyền kiến thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) giúp cho cộng đồng biết cách phòng ngừa, xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra, từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.

2. Tăng cường trách nhiệm cộng đồng và kêu gọi sự tham gia tích cực của toàn xã hội

Ngày Toàn dân PCCC không chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của lực lượng chuyên trách mà còn kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Mọi cơ quan, trường học, tổ chức và từng cá nhân đều phải nắm vững kiến thức và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng cháy.

Sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng cảnh sát PCCC và người dân, cơ quan tổ chức sẽ tạo thành một mạng lưới phòng ngừa hiệu quả, giúp kiểm soát và ngăn chặn các sự cố cháy nổ ngay từ sớm.

3. Xây dựng văn hóa an toàn phòng cháy chữa cháy trong cộng đồng

Thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân PCCC, người dân và các cơ quan tổ chức được tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, thực hành sử dụng thiết bị chữa cháy và thoát hiểm. Điều này giúp xây dựng một nền tảng văn hóa an toàn về phòng cháy chữa cháy trong cộng đồng, giúp mọi người có thói quen chủ động phòng ngừa và xử lý các tình huống nguy hiểm một cách hiệu quả.

4. Góp phần giảm thiểu số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra

Ý nghĩa cuối cùng và cũng là quan trọng nhất của Ngày Toàn dân PCCC là góp phần giảm thiểu số lượng các vụ cháy nổ xảy ra trên toàn quốc. Khi ý thức của người dân được nâng cao và sự phối hợp giữa các lực lượng được thắt chặt, số vụ cháy nổ sẽ được kiểm soát tốt hơn, thiệt hại về người và tài sản sẽ giảm đi rõ rệt.

II. Hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy

Căn cứ theo Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy gồm:

- Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

- Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy.

- Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Báo cháy giả.

- Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.

- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.

- Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người.

- Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

- Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn.

- Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

III. Một số khẩu hiệu tuyên truyền ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy

         1. Tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy - 04/10”.

         2. Chủ động phòng cháy tốt, sẵn sàng chữa cháy kịp thời và hiệu quả.

         3. Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi là thiết thực góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

         4. Mỗi người dân cần tích cực chủ động học tập, tìm hiểu để nắm vững pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

         5. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương tiện, phương án chữa cháy, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ.

         6. Tham gia xây dựng và phát triển mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy là bảo về chính gia đình mình và những người xung quanh.

         7. Tích cực tham gia phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy là góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

         8. Chuẩn bị tốt lực lượng và phương tiện phòng cháy và chữa cháy tại chỗ là thiết thực bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình.

         9. Cháy, nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu nếu chúng ta chủ quan, lơ là.

         10. Không để xảy ra cháy, nổ là hạnh phúc của mọi nhà.

         11. Khi phát hiện có cháy, nổ hoặc tai nạn sự cố cần cứu nạn, cứu hộ, hãy gọi số máy 114 hoặc sử dụng ứng dụng Help 114 để được hỗ trợ cứu nạn cứu hộ kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

         12. Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.



Xem thêm Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 theo file đính kèm