(Thực hiện công văn số 24/VSTBPN&BĐG ngày 11 tháng 10 năm 2024 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố Hồ Chí Minh về hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024)
I. Mục đích, yêu cầu khi triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động)
Nâng cao vai trò, trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.
Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em. Cung cấp thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh đối với phụ nữ và trẻ em.
Chú trọng công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu, và chấm dứt tình trạng bạo lực tại địa phương và trên địa bàn toàn Thành phố.
Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phải được tiến hành đồng bộ, bảo đảm hiệu quả thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.
II. Thời gian và chủ đề của Tháng hành động
Thực hiện theo công văn số 24/VSTBPN&BĐG ngày 11 tháng 10 năm 2024 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ thời gian Tháng hành động diễn ra từ ngày 15/11/2024 đến ngày 15/12/2024.
Ngoài ra, theo công văn số 24/VSTBPN&BĐG ngày 11 tháng 10 năm 2024 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu rõ chủ đề Tháng hành động của năm nay là:
“Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.”
Chủ đề này nhấn mạnh vai trò của an sinh xã hội, sự tăng cường quyền năng và tạo điều kiện phát triển cho phụ nữ và trẻ em gái để từng bước thực hiện bình đẳng giới, đồng thời xóa bỏ những định kiến và hành vi bạo lực trên cơ sở giới.
III. Tại sao cần đảm bảo an sinh xã hội và tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái?
An sinh xã hội là nền tảng giúp ổn định cuộc sống, đặc biệt là cho những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái. Khi được đảm bảo an sinh xã hội, phụ nữ và trẻ em gái có điều kiện tốt hơn để phát triển bản thân, học tập, và tham gia vào các hoạt động xã hội và kinh tế. Tăng cường quyền năng cho họ giúp họ có khả năng tự bảo vệ và lên tiếng khi gặp phải các hành vi bạo lực và phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, bạo lực và phân biệt giới vẫn còn là một vấn đề nhức nhối ở nhiều nơi, cản trở quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, làm giảm sút chất lượng cuộc sống và cơ hội phát triển của họ. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự chung tay từ cộng đồng và xã hội, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi đối với phụ nữ và trẻ em gái.
IV. Những biện pháp và hành động cụ thể
Đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Cần có những chính sách hỗ trợ, từ giáo dục, y tế đến bảo vệ quyền lợi lao động và cơ hội việc làm cho phụ nữ.
Tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội phát triển: Tăng cường giáo dục về kỹ năng mềm, đào tạo nghề, và mở rộng cơ hội việc làm nhằm giúp phụ nữ có thêm sự tự tin và độc lập về kinh tế.
Khuyến khích sự tham gia của nam giới và các tổ chức xã hội: Sự ủng hộ từ phía nam giới đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng.
Nâng cao nhận thức trong cộng đồng: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động với hình thức phù hợp; tăng cường tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động trên các phương tiện thông tin bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế.
Tổ chức hoạt động hỗ trợ nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và công tác triển khai Tháng hành động năm 2024.
Thực hiện số hóa trong truyền thông (qua mạng xã hội như facebook, fanpage, youtube...) nhằm tiếp cận đa dạng đối tượng, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên... nhằm lan tỏa mạnh mẽ về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Phát hành các sản phẩm truyền thông về các chính sách an sinh xã hội, vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới; kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; vấn đề giới và biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh.
Đẩy mạnh huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột, người chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu,...
V. Thông điệp tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
1. Thông điệp tuyên truyền về Luật pháp, chính sách, chủ trương
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
- Đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho tương lai
- Bình đẳng giới là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng
- Tăng quyền năng cho phụ nữ là tăng vị thế của quốc gia
- Nam, nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc
- Bình đẳng giới là chìa khóa để xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới
- Hành động ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay
- Ưu tiên nguồn lực cho phụ nữ và trẻ em gái
2. Thông điệp về Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- Bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục là vi phạm pháp luật
- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương
- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em
- Hãy lên tiếng khi bị bạo lực
- Hành động vì cộng đồng bình đẳng, văn minh, an toàn và không bạo lực
- Im lặng không phải cách để bảo vệ bản thân và người bị xâm hại
- Không đổ lỗi cho người bị bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục
- Không phân biệt đối xử và bạo lực trên không gian mạng
3. Thông điệp tuyên truyền Huy động sự tham gia của nam giới và xã hội
- Chia sẻ việc nhà, gia đình hạnh phúc
- Việc nhà không của riêng ai
- Tôi là đàn ông, tôi không gây bạo lực
- Phải chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái./.