TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7 NĂM 2025

Ngày đăng: 18 tháng 7 2025
Lượt xem: 14
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7 NĂM 2025

Thực hiện Công văn số 289/SGDĐT-HSSV ngày 17 tháng 7 năm 2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2025. Nhà trường tuyên truyền một số nội dung về Ngày Dân số Thế giới 11/7 như sau:

I. Những vấn đề của dân số toàn cầu

Xem xét lịch sử phát triển dân số thế giới, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng dân số diễn ra rất nhanh kể từ giữa thế kỷ 20. Phải mất hàng triệu năm, dân số thế giới mới đạt 1 tỷ người vào khoảng năm 1800, 170 năm sau, dân số thế giới đạt tỷ người thứ hai vào năm 1930 và 30 năm tiếp theo, thế giới có tỷ người thứ ba. Kể từ đó, cứ khoảng 15 năm một lần, thế giới lại đón thêm 1 tỷ người nữa. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), đến ngày 25 tháng 11 năm 2022, dân số thế giới đạt 8 tỷ người. Hầu hết (90%) số dân tăng thêm đó là ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh.

Ở chiều ngược lại, các nước đã phát triển lại đang đối mặt với tình trạng mức sinh thấp kéo dài, già hóa dân số ở một số nước, sự suy giảm dân số đã diễn ra. Già hóa dân số, sự suy giảm dân số gây ra những thách thức hết sức nghiêm trọng đến cung ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội và chăm sóc người cao tuổi. Nhiều nước đã phải thực hiện nới lỏng chính sách nhập cư nhằm giải quyết những thách thức này.

II. Thành tựu và khó khăn, thách thức của công tác Dân số Việt Nam

1. Thành tựu của công tác dân số

Từ sau khi thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4, dân số Việt Nam đã có bức tranh hoàn toàn khác. Về quy mô dân số, tốc độ gia tăng nhanh đã được kiểm soát, mức sinh thay thế đạt sớm và được duy trì trong hơn 10 năm, song xu hướng giảm sinh xuống dưới mức sinh thay thế ngày càng lan rộng, chênh lệch mức sinh giữa các khu vực còn khá lớn. Sự thay đổi nhanh chóng của cơ cấu dân số dẫn đến hiện tượng cơ cầu dân số vàng và già hóa dân số nhanh, tỷ số giới tính khi sinh nghiêm trọng, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế... Đặt vấn đề dân số trong mối quan hệ chặt chẽ với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước và bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế. Đảng ta đã có Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 (Nghị quyết 21) về công tác dân số trong tình hình mới, khẳng định sự chuyển hướng chính sách dân số. Nghị quyết 21 nêu rõ việc chuyển trọng tâm chính sách dân số Việt Nam từ KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, tập trung vào các mục tiêu “Duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng có hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Nhằm cụ thể hóa một giai đoạn thực hiện Nghị quyết 21, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Nhằm thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, một trong 6 mục tiêu lớn trong công tác dân số thời gian tới, ngày 20/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 trong đó có xác định 3 hành động cần được triển khai thực hiện đồng thời: Tăng tổng tỷ suất sinh 10% ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (< 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (>2,2 con) và duy trì mức sinh ở các tỉnh đang có mức sinh thay thế (2,0-2,2 con). Văn bản này là cơ sở quan trọng định hướng việc điều chỉnh mức sinh nói chung, việc tăng mức sinh ở các vùng có mức sinh thấp ở Việt Nam hiện nay.

2. Những vấn đề về Dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cho đến nay, bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều vấn đề Dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cụ thể: Quy mô Dân số lớn, mật độ Dân số cao và tiếp tục tăng; Mức sinh hiện ở mức rất thấp; Già hóa Dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh; Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu Dân số vàng, ... Trong đó, vấn đề mức sinh thấp đóng vai rất quan trọng tác động đến các biến Dân số khác theo chiều hướng không tích cực.

Quan sát số liệu thống kê chuyên ngành Dân số, hiện nay tổng tỷ suất tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 là 1,39 con so với mức 1,91 con của cả nước. Trong dãy số liệu ghi nhận từ năm 2000 đến năm 2024 cho thấy, tổng tỷ suất sinh của Thành phố liên tục giảm (năm 2000 là 1,76 so với năm 2024 là 1,39), xuống rất thấp vào năm 2016 là 1,24, xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2008 (1,63) và năm 2013 (1,68).

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Trong điều kiện kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, tốc độ thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa Dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ...

Để giải bài toán “mức sinh thấp”, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp như đẩy mạnh hoạt động truyền thông đại chúng, tư vấn tại cộng đồng nhằm chuyển tải thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con", tham mưu ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ cũng là một trong những điều kiện khuyến khích người dân nhằm nâng mức sinh của thành phố cụ thể: ngày 02 tháng 03 năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-UBND về triển khai Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 và Nghị quyết số 40/2024/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố về quy định chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí 7 Minh, chính sách cụ thể: Phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần bằng tiền là 3.000.000 đồng (Đây là chi phí hỗ trợ cho quá trình chăm sóc thai kỳ và tham gia chương trình Sàng lọc trước sinh - Sàng lọc sơ sinh);

3. Một số nội dung truyền thông chủ điểm

Lợi ích của việc sinh đủ con; chuyển đổi hành vi về giới và bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; truyền thông nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Lợi ích và tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam/nữ thanh niên; thực hiện tầm soát, chuẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

Ý nghĩa, tầm quan trọng của chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi; các nội dung rèn luyện thân thể, phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù (vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất...) góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Ưu tiên truyền thông dành cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm: người di cư, người khuyết tật và những người bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu.

4. Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2025

Chủ đề của Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2025 là: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”.

III. Khẩu hiệu truyền thông

(1) Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

(2) Công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân;

(3) Chung tay giải quyết tình trạng mức sinh thấp vì một Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững.

(4) Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, hạnh phúc và tương lai của chính bạn;

(5) Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức;

(6) Hãy để việc sinh con trai hay gái theo quy luật tự nhiên;

(7) Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc mỗi cá nhân, gia đình, vì sự phồn vinh của đất nước;

(8) Thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh vì tương lai nòi giống Việt;

(9) Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc;

(10) Gia đình, cộng đồng và toàn xã hội hãy chung tay chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi;

(11) Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững;

(12) Duy trì ổn định mức sinh trách nhiệm của chúng ta;

(13) Dân số khỏe - gia đình hạnh phúc - đất nước phồn vinh;

(14) Sinh con và nuôi dạy con tốt là góp phần xây dựng tương lai đất nước;

(15) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đưa đất nước vào kỷ nguyên mới;

(16) Sinh con là quyền - Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm.


(Theo tài liệu ban hành của Cục Dân số, Bộ Y tế)