TUYÊN TRUYỀN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ SỐ 100/2015/QH13 (LUẬT SỐ 12/2017/QH14)

Ngày đăng: 15 tháng 5 2025
Lượt xem: 13
TUYÊN TRUYỀN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ SỐ 100/2015/QH13 (LUẬT SỐ 12/2017/QH14)

Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Nay, nhà trường tuyên truyền một số nội dung của Luật như sau:

I. Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản tại phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13

1. Quy định liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123 (tội giết người), Điều 168 (tội cướp tài sản) của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.

2. Quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội

2.1. Sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 như sau:

Điều 9. Phân loại tội phạm

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

2.2. Sửa đổi, bổ sung về tổng hợp hình phạt tại khoản 1 Điều 86 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 như sau:

Đối với hình phạt chính:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó;

c) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được tổng hợp thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 04 năm;

d) Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của Bộ luật này thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động;

đ) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.

2.3. Sửa đổi, bổ sung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tại Điều 76 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 như sau:

Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.

2.4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 vào Điều 300 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (tội tài trợ khủng bố) như sau:

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

2.5. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 vào Điều 324 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (tội rửa tiền) như sau:

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

2.6. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 như sau:

Điều 14. Chuẩn bị phạm tội

1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

2.7. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 54 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 như sau:

Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

II. Sửa đổi, bổ sung một số Điều, khoản thuộc phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13

1. Bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13).

2. Bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13).

3. Sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành một số tội phạm

- Bổ sung hành vi “cướp phá tài sản” vào cấu thành tội bạo loạn (Điều 112 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13).

- Quy định cụ thể đối tượng hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu hoặc pháo nổ (Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13).

- Bổ sung chất XLR-11 (tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá KHAT (có chứa chất ma tuý cathinone) vào cấu thành các tội phạm về ma tuý (Điều 248, 249, 250, 251, 252 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13).

- Sửa đổi, bổ sung cấu thành giảm nhẹ của một số tội phạm theo hướng giới hạn phạm vi xử lý hình sự đối với trường hợp phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả (khoản 5 các Điều 260, 261, 268, 273, 278, 307, 310, 313; khoản 4 các Điều 267, 272 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13).

- Đối với tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản (Điều 344 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13): loại bỏ những hành vi mang tính vi phạm về thủ tục, nghiệp vụ xuất bản trong cấu thành tội phạm của tội này.

- Bỏ các hành vi “tổ chức sử dụng chất ma tuý”, “cưỡng đoạt tài sản”, “đưa vào, tàng trữ, chiếm đoạt hoặc tổ chức sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần” trong cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13).

4. Sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khoản của một số điều luật nhằm đảm bảo sự nối tiếp mức định lượng giữa các khoản

Luật số 12/2017/QH14 đã điều chỉnh mức định lượng tại các khoản của một số điều luật trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 liên quan đến mức định lượng về tỷ lệ thương tích, tổn hại về sức khoẻ và các mức định lượng khác thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma tuý, xâm phạm trật tự công cộng…

Riêng đối với các tội liên quan đến vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và vật liệu nổ Luật đã sửa đổi theo hướng không định lượng theo phương pháp liệt kê theo số lượng mà sử dụng định tính “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”.

5. Sửa đổi, bổ sung mức hình phạt trong các khoản của một số điều luật

Luật số 12/2017/QH14 đã điều chỉnh mức hình phạt trong các khung hình phạt của một số điều luật (các Điều 134, 260, 261, 267, 268, 272, 273, 278, 295, 307 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13) đề đảm bảo phân hoá rõ mức độ trách nhiệm giữa các trường hợp phạm tội khác nhau.


(Xem chi tiết tại file đính kèm)

Tin mới

Tin cùng loại