TUYÊN TRUYỀN NGÀY KỸ NĂNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM NĂM 2024

Ngày đăng: 08 tháng 10 2024
Lượt xem: 180
TUYÊN TRUYỀN NGÀY KỸ NĂNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM NĂM 2024

Thực hiện Công văn số 24950/SLĐTBXH-GDNN ngày 07 tháng 10 năm 2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2024. Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 tuyên truyền một số nội dung chính sau đây:

I. Mục đích, ý nghĩa của Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam

Theo Điều 1 và Điều 2 Quyết định 1486/QĐ-TTg ngày 01/10/2020 về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:

Điều 1. Lấy ngày 04 tháng 10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”.

Điều 2. Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam được tổ chức thống nhất trong toàn quốc nhằm các mục đích sau đây:

1. Hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (ngày 15 tháng 7) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2014; đồng thời kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

2. Khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng trình độ của học sinh sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng nhất là người lao động có tay nghề cao kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc.

3. Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam được thành lập nhằm hưởng ứng Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới và kêu gọi sự đồng lòng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Mục tiêu của ngày này là nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích học tập suốt đời, và tôn vinh người lao động có kỹ năng xuất sắc.

Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kỹ năng lao động, bao gồm Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, và Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Ngày này cũng nhắc nhở các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kỹ năng cho người lao động, góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

II. Sự đồng hành, gắn kết giữa Nhà nước - Nhà trường và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động

Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động. Huy động sự tham gia có hiệu quả của toàn xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát động các phong trào thi đua học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng nghề trong học sinh và người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời, thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo và tạo điều kiện cho người lao động tại các đội ngũ nhà giáo, và học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng lao động gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và học tập suốt đời, phát triển sự nghiệp.

Thông tin, phản ánh, tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Đồng thời, phát hiện và kịp thời biểu dương, khen thưởng, vinh danh người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề xuất sắc; các tập thể, cá nhân, nhà giáo, cộng đồng và doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho nguồn nhân lực của đất nước.

Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông các chính sách mới về giáo dục nghề nghiệp, góp phần tạo niềm tin và đồng thuận trong toàn xã hội.

III. Các thông điệp về kỹ năng lao động

1. Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng lao động.

2. Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng.

3. Kỹ năng nghề cho tương lai tươi sáng.

4. Kỹ năng nghề để có cuộc sống tốt hơn.

5. Kỹ năng nghề để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

6. Kỹ năng nghề giá trị đích thực.

7. Kỹ năng nghề vì hòa bình và phát triển.

8. Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề.

9. Nâng tầm kỹ năng lao động, nâng tầm sức mạnh quốc gia.