KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ 07/5/1954 - 07/5/2024

Ngày đăng: 06 tháng 5 2024
Lượt xem: 470
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ 07/5/1954 - 07/5/2024

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi, không những đánh dấu sự thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn báo trước sự sụp đổ của chế độ thuộc địa và vị thế cường quốc quân sự của Pháp. Trong suốt chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao trên chiến trường Điện Biên Phủ và các chiến trường phối hợp trong cả nước, làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

        Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình Điện Biên Phủ, Người nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Bằng quyết định lịch sử này, Hồ Chí Minh đã chủ động chỉ đạo chuyển phương thức tác chiến từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh vào chỗ mạnh nhất của địch và buộc quân Pháp phải giao chiến với ta sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của chúng. Đây là một quyết định táo bạo, sáng suốt vì có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm - bước cố gắng cao nhất của Pháp thì mới có thể kết thúc chiến tranh. Việc chuyển từ “vận động chiến” sang “trận địa chiến”, “đánh vỗ mặt” đối phương là bước phát triển tất yếu của Quân đội ta trong chiến tranh giải phóng.

        Với sự thận trọng nhưng nhạy bén, sắc sảo của nhà quân sự nắm chắc thực lực đất nước, Hồ Chí Minh nhất quán trong việc thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc thắng”. Từ đầu năm 1953, Người đã dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, bại thì hết vốn”. Tháng 01/1954, khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra Mặt trận, Người lại nhấn mạnh: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”

Người còn tỏ rõ tài năng trong việc lựa chọn cán bộ chỉ huy cao nhất của chiến dịch. Đường lối tác chiến đúng chỉ có thể phát huy giá trị khi được thực hiện bởi những nhà chỉ huy lỗi lạc. Ngày 06/12/1953, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị cùng với việc thông qua quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đã quyết định cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Người đã quyết định “xuất tướng” cùng với lời tiễn đầy tin tưởng, khích lệ: “Trao cho chú toàn quyền quyết định”. Trong sử dụng cán bộ, Người luôn thực hiện phương châm: Đã giao việc là giao quyền, đã giao quyền thì phải có lòng tin. Lòng tin cao độ và sự tôn trọng cấp dưới của Hồ Chí Minh đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đủ căn cứ và thẩm quyền để đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình: Chuyển phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” khi cả mặt trận đã dàn quân, đạn đã lên nòng. Thực hiện phương châm tác chiến mới, ta sẽ chủ động về mục tiêu tấn công, thời gian tấn công và có thể tập trung binh, hỏa lực vào việc tiêu diệt gọn từng cụm cứ điểm, giành thắng lợi trong từng trận đánh, từng đợt tấn công để tiến tới thắng lợi cuối cùng. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hoàn toàn đúng đắn. Tài năng, bản lĩnh chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được lịch sử và thế giới tôn vinh nhưng sâu xa ở đó là khả năng dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên các binh sĩ tham chiến tại Điện Biên Phủ để họ vượt qua muôn vàn khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Sức chiến đấu của quân đội nằm ở ý chí, nhiệt huyết của những người trực tiếp cầm súng trên chiến trường. Người từng đúc kết, nếu tinh thần chiến đấu của người lính thấp thì trong tay họ, “đại bác chỉ là một cục sắt”. Với đội quân cách mạng non trẻ, có sự thiếu hụt rất lớn về vũ khí, trình độ và kinh nghiệm chiến đấu thì yếu tố tinh thần càng quan trọng. Người nhấn mạnh: “Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sĩ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”. Hồ Chí Minh đã truyền đến tất cả binh sĩ trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ tinh thần quyết chiến, quyết thắng bằng nhiều cách khác nhau.

Chiều ngày 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch thì ngày 08/5/1954, Người đã có “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ” và quyết định tặng huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho tất cả cán bộ tham gia chiến dịch này. Người đã theo sát tình hình Điện Biên Phủ từng ngày, từng giờ và những lá thư của Người là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao đối với các chiến sĩ Điện Biên. Họ đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, đem hết sức mình góp phần vào thắng lợi cuối cùng để mừng sinh nhật Người.

Sau năm 1954, cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng chiến thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chỉ huy trực tiếp mặt trận Điện Biên Phủ đúc kết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”. Tròn 7 thập kỷ trôi qua, nhưng tinh thần Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng, luôn là tiềm năng quý giá, đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.